– Sáng 23/11, tại TP. Vinh, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội thảo khoa học luận cứ phát triển kinh tế vùng Quỳnh Lưu, TX Hoàng Mai gắn với Nam Thanh Hóa và Tây Bắc Nghệ An.

Đồng chủ trì hội thảo có đồng chí Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; PGS.TS Trần Đình Thiên – Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Tổ phó Tổ tư vấn kinh tế – xã hội tỉnh; Thạc sĩ Trần Quốc Thành- Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ.

Dự hội thảo có các thành viên Tổ tư vấn kinh tế – xã hội tỉnh: Ông Hồ Xuân Hùng – Nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT; KTS Trần Ngọc Chính- Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng; đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các sở, ban, ngành cấp tỉnh; đại diện VCCI – Chi nhánh Nghệ An; đại diện UBND các huyện Quỳnh Lưu, TX Hoàng Mai, TX Thái Hòa và thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa).

Toàn cảnh hội thảo về luận cứ phát triển kinh tế vùng Hoàng Mai- Quỳnh Lưu gắn với Nam Thanh Hóa do UBND tỉnh và Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức. Ảnh: Nguyễn Hải

Hội thảo được nghe TS. Trần Thị Thu Hương – Viện Nghiên cứu phát triển bền vững vùng với tham luận “Những vấn đề lý luận về phát triển kinh tế vùng động lực và liên kết phát triển vùng”; PGS.TS. Trần Đình Thiên trình bày tham luận “Một số giải pháp chính sách phát triển vùng Hoàng Mai – Quỳnh Lưu thành cực tăng trưởng phía Bắc của tỉnh”; Nguyên Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng với tham luận “Thay đổi tư duy phát triển nông nghiệp sạch gắn với chuỗi giá trị”; TS. Lê Xuân Sang – Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam với đề tài “Một số định hướng phát triển và giải pháp thu hút FDI vào TX Hoàng Mai, Nghệ An trong bối cảnh mới”…

Đồng chí Trần Quốc Thành – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ , thay mặt Ban tổ chức hội thảo phát biểu nêu đề dẫn. Ảnh: Nguyễn Hải

Bên cạnh các tham luận mang tính khoa học, định hướng vĩ mô, hội thảo còn được nghe các báo cáo tham luận, đánh giá từ thực tiễn như: Thực trạng phát triển kinh tế vùng Hoàng Mai- Quỳnh Lưu gắn với vùng Nam Thanh Hóa – Bắc Nghệ An của thị xã Hoàng Mai; Tác động của phát triển Khu kinh tế, Khu công nghiệp là động lực thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đối với vùng của Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh hóa và Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn; giải pháp phát triển kinh tế biển bền vững vùng Hoàng Mai – Quỳnh Lưu…

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu cũng mạnh dạn và thẳng thắn nêu lên những khó khăn, trở ngại và điểm nghẽn trong phát triển kinh tế vùng nói chung cũng như tại Nghệ An nói riêng. Đồng thời đề xuất các giải pháp xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển tương xứng với Trung ương và tỉnh.

Làm rõ lợi thế so sánh, tìm ra giải pháp khả thi

Đi vào thảo luận, PGS.TS Trần Đình Thiên đặt vấn đề: Nghệ An đề ra chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, trong đó xác định TP Vinh và TX Hoàng Mai, Quỳnh Lưu là các vùng kinh tế trọng điểm – cực tăng trưởng nhằm kéo kinh tế các địa phương khác đi lên.

Nghệ An hội đủ điều kiện của một Việt Nam thu nhỏ, tiềm năng lớn, nhân lực rất dồi dào, là vùng “địa linh nhân kiệt” nhưng thực hiện mục tiêu trở thành tỉnh khá rất khó khăn, trắc trở. Vì vậy, phải nhìn thẳng vào tồn tại, hạn chế; tìm ra lợi thế so với các tỉnh bạn, Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh bạn để hoạch định lại hướng đi, giải pháp phát triển cho phù hợp.

PGS.TS Trần Đình Thiên phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Nguyễn Hải

Trong khi đó, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Xuân Hùng cho rằng, Nghệ An có nhiều loại tài nguyên như đá vôi, đá trắng là nguyên liệu sản xuất công nghiệp vật liệu xây dựng, đủ tạo ra là thủ phủ công nghiệp của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước. Tỉnh cũng có những địa danh, thế mạnh về phát triển du lịch nhưng vì nhiều lý do đã chậm và lỡ nhịp phát triển.

Nguyên Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Nguyễn Hải

Nhìn vào hiện trạng cơ cấu kinh tế của Quỳnh Lưu với tỷ trọng giá trị nông nghiệp đang chiếm đa số; quy hoạch đô thị của thị trấn Cầu Giát còn nhiều yếu kém để thấy những khó khăn, lực cản trong thực hiện mục tiêu phát triển vùng và cực tăng trưởng của thị xã Hoàng Mai – Quỳnh Lưu. Để phát triển kinh tế vùng và tỉnh, phải xác định rõ trách nhiệm của địa phương, tỉnh và các bộ, ngành Trung ương để có chính sách, giải pháp khơi dậy nội lực cũng như thu hút và kêu gọi nguồn lực từ bên ngoài.

(Trích phát biểu của nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Hồ Xuân Hùng)

TS. Lê Xuân Sang – Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phân tích xu hướng dịch chuyển của dòng vốn FDI và cơ hội, thách thức cho thị xã Hoàng Mai. Ảnh: Nguyễn Hải

Tại hội thảo, dưới góc nhìn của chuyên gia nghiên cứu về FDI, TS Lê Xuân Sang đã phân tích xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư FDI trong lịch sử, tâm lý lựa chọn địa điểm đầu tư của các tập đoàn lớn; phân tích các yếu tố đầu vào ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn địa điểm đầu tư; thông qua đó nêu lên kinh nghiệm, lợi thế cho thị xã Hoàng Mai trong thu hút đầu tư FDI.

KTS Trần Ngọc Chính – Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng chia sẻ về quá trình quy hoạch phát triển đô thị Hoàng Mai trong định hướng phát triển vùng của tỉnh. Ảnh: Nguyễn Hải

Tham gia hội thảo, KTS Trần Ngọc Chính điểm lại quá trình thành lập thị xã Hoàng Mai với những tâm huyết, mục tiêu lớn của tỉnh trong việc khơi dậy tiềm năng phát triển phía Bắc. Mặc dù còn thiếu tiêu chí nhưng sau khi thành lập, thị xã đã có bước phát triển vượt bậc. Sắp tới muốn vùng này phát triển thì không chỉ riêng thị xã Hoàng Mai phát triển mà phải gắn với Quỳnh Lưu với tư cách là “Nghệ An thu nhỏ”, đồng thời gắn với vùng Tây Bắc Nghệ An và nhất là phía Nam tỉnh Thanh Hóa và thị xã Nghi Sơn. Thế kỷ 21 là thế kỷ của dịch vụ vận tải biển, các đô thị phát triển, hướng về biển nên việc phát triển, khai thác lợi thế về cảng biển có ý nghĩa quan trọng với nền kinh tế và thị xã Hoàng Mai cần lưu ý…

Kết thúc hội thảo, đồng chí Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh trân trọng tiếp thu các chia sẻ thẳng thắn, các ý kiến đóng góp của các chuyên gia và đại diện các sở, ngành, địa phương. Trên cơ sở tổng hợp và tiếp thu, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh kết luận, chỉ đạo 6 nội dung về liên quan đến công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, thu hút nguồn lực đầu tư hạ tầng.

Từ phát biểu của chuyên gia, Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam lưu ý một số vấn đề khi khi mở rộng diện tích; định hướng phát triển một số lĩnh vực có lợi thế trong liên kết vùng; các giải pháp và chính sách thu hút FDI vào TX Hoàng Mai và Quỳnh Lưu; các giải pháp phát triển nguồn nhân lực…/.