Đến tháng Tư năm nay, Hoàng Mai mới được xem là tròn 5 tuổi. 5 tuổi, nếu tính theo các dấu mốc quan trọng của đời người, là tuổi bản lề thứ nhất. Tròn 5 tuổi, đã đến lúc Hoàng Mai chia tay thời kỳ dò dẫm tập đi, vấp váp rồi đứng dậy, để bắt đầu bước vào chặng đường tự lực tự cường, vượt qua mọi thử thách, tăng tốc và… cán đích.

Thiên thời địa lợi nhân hòa
Hoàng Mai là cái tên gợi lên những vần thơ điệu nhạc, với dòng Mai giang xanh trong uốn lượn đắp bồi phù sa mà tạo nên những làng mạc trù phú hữu tình, nơi địa đầu xứ Nghệ. Nhưng giữa điệp trùng núi mềm mại sông bao la biển cả vốn là lợi thế để phát triển nông – lâm – ngư nghiệp và đặc biệt là du lịch, thị xã trẻ Hoàng Mai còn gánh thêm trọng trách là thị xã công nghiệp, một trong ba cực tăng trưởng của tỉnh Nghệ An.

Bình minh ở Thị xã Hoàng Mai. Ảnh: Tư liệu

Nằm trên con đường thiên lý Bắc Nam, Hoàng Mai là điểm giao thoa giữa hai đô thị lớn: Thanh Hóa và Vinh, tiếp giáp với khu kinh tế Nghi Sơn, vùng Phủ Quỳ và huyện Quỳnh Lưu. Nếu nói Nghệ An là hình ảnh thu nhỏ của Việt Nam thì Hoàng Mai là hình ảnh thu nhỏ của Nghệ An. Là vùng đất hội đủ ba vùng sinh thái biển, đồng bằng và rừng núi, nên hiếm có thị xã nào giao thông thuận lợi như Hoàng Mai.

Hệ thống giao thông đường bộ Quốc lộ 1A, đường cao tốc Bắc Nam, tuyến đường Nghi Sơn Cửa Lò, Quốc lộ 48D nối miền Tây Nghệ An, giao thông đường sắt… tạo sự kết nối cả nội tỉnh và các vùng trong cả nước; Thị xã có dòng Mai giang (thuộc tuyến kênh Nhà Lê từ thời Lê Hoàn) bao bọc, chảy ra biển theo hai cửa sông, tạo điều kiện để thị xã xây dựng phát triển cảng cá ở phường Quỳnh Phương và đang xúc tiến đầu tư cảng nước sâu Đông Hồi.

Sông Nhà Lê chảy qua thị xã Hoàng Mai nối thông từ kinh đô Hoa Lư tới Đèo Ngang được xem là tuyến đường thủy đầu tiên ở Việt Nam.Hoàng Mai cũng là vùng đất mang đầy đủ các yếu tố văn hóa đặc thù của khu vực Bắc Trung Bộ nói chung, Nghệ An nói riêng.

Biến thiên cuộc sống, thăng trầm lịch sử còn lưu dấu ấn trong bao di tích vật thể và phi vật thể thu hút khách du lịch thập phương tham quan, thưởng ngoạn. “Xứ Nghệ đệ nhất tứ linh” – Đền Cờn ở Quỳnh Phương – nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc đủ để viết nên một câu chuyện du lịch mang màu sắc tâm linh truyền thống.Như một điểm nhấn góp phần tạo nên một Hoàng Mai vừa cổ kính với đình chùa miếu mạo nằm rải rác khắp thị xã, vừa hiện đại với những con đường mới khai thông, những cao ốc chọc trời ở các khu đô thị, bãi biển Quỳnh Phương hoang sơ mà kỳ ảo sẽ tạo đà cho ngành công nghiệp không khói ở Hoàng Mai phát triển.

Do nằm cạnh địa bàn huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An và tiếp giáp ranh giới tỉnh Thanh Hóa với nguồn lao động trẻ dồi dào nên đến với Hoàng Mai, các nhà đầu tư chẳng những có điều kiện thuận lợi trong việc tuyển dụng và đào tạo lao động mà còn có thể tiết kiệm chi phí nhân công, đồng thời được hưởng các dịch vụ tiện ích, giá cả phải chăng, hợp lý.
Thiên thời, địa lợi, nhân hòa – Hoàng Mai có nhiều tiềm năng và đã được quy hoạch phát triển kinh tế theo hướng ưu tiên công nghiệp, thương mại và du lịch.

Lấy công nghiệp làm gốc

Vẫn biết, không đẩy mạnh công nghiệp – dịch vụ thì không thể nói đến phát triển, đến xóa đói giảm nghèo. Nhưng làm công nghiệp hóa thế nào cho đúng, cho hợp lý, có tầm nhìn thì lại là câu chuyện cần bàn bạc kỹ lưỡng. Đây cũng là thách thức mà Hoàng Mai phải tính, trong (ít nhất) giai đoạn 5 năm sắp tới. Bởi, khác với các lĩnh vực có tính truyền thống như nông – lâm – ngư, có thể sản xuất dựa vào kinh nghiệm truyền đời, công nghiệp thì ngoài kinh nghiệm còn đòi hỏi rất nhiều yếu tố khác, đồng bộ, toàn diện với tư duy khác biệt, nhằm tạo ra những điều khác biệt.

Tính đến nay, Hoàng Mai có 3 khu công nghiệp đã và đang đi vào hoạt động. Đó là Khu công nghiệp Hoàng Mai, Khu công nghiệp Đông Hồi và Khu công nghiệp Căn Bòng. Với lợi thế về các mỏ đá, mỏ đất sét… Hoàng Mai có tiềm năng và cũng đang phát triển ưu tiên ngành công nghiệp vật liệu xây dựng.

Hiện trên địa bàn có Nhà máy Xi măng Hoàng Mai 1 công suất 1.2 triệu tấn/năm, đang xúc tiến đầu tư Nhà máy Hoàng Mai 2 công suất 4,5 triệu tấn/năm. Mỏ đá ở đây còn cung ứng cho Nhà máy Xi măng Nghi Sơn. Ngoài xi măng, có thể kể đến các nhà máy sản xuất bột đá trắng, gạch Tuynel; Nhà máy Tôn Hoa Sen, Nhà máy May Vinatex; tổ hợp khách sạn 4 sao và thương mại tổng hợp Mường Thanh đang hoạt động có hiệu quả…Lợi thế nằm trong một vùng kinh tế công nghiệp trên đà phát triển mạnh mẽ, xét góc độ nào đó, cũng là thách thức phải tính tới, vượt qua.

Trong mối liên kết chặt chẽ với Nghi Sơn, Phủ Quỳ, Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai càng cần tìm ra lối đi riêng, lựa chọn riêng nhằm tạo nên dấu ấn và sự so sánh để cùng phát triển.

Lối đi riêng mà Hoàng Mai đã lựa chọn và xác định, đó là gắn công nghệ truyền thống với khoa học hiện đại để đẩy nhanh nông nghiệp đô thị; mỗi địa phương hình thành và phát triển mạnh mẽ ít nhất một sản phẩm chất lượng cao, an toàn, có thương hiệu trên thị trường. Như nghệ Quỳnh Vinh, nước mắm Quỳnh Dị, tôm nõn Quỳnh Lập, cá thu Quỳnh Phương, rau sạch Quỳnh Liên…

Sản xuất tại Nhà máy Tôn Hoa Sen Nghệ An (KCN Đông Hồi, TX. Hoàng Mai). Ảnh: Thu Huyền

Muốn phát triển kinh tế nói chung, kinh tế công nghiệp nói riêng, dù lựa chọn cách nào đi trên con đường nào, thì môi trường đầu tư vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu. Trước đây, người ta thường dùng khái niệm “trải thảm đỏ” để nói về vấn đề thu hút đầu tư.

Nhưng trong xu thế hiện nay, xúc tiến đầu tư không thể chỉ làm một việc là tạo điều kiện thuận lợi, mở rộng cửa chào đón nhà đầu tư, mà còn cần tính đến hiệu quả, làm sao để doanh nghiệp và địa phương cùng có lợi. Nghĩa là xúc tiến đầu tư bây giờ không phải là kêu gọi bằng mọi giá, chấp thuận mọi dự án, mà phải có sự lựa chọn. Chọn nhà đầu tư nào, năng lực ra sao, đồng thời cũng phải xem xét các yếu tố khác như tính bền vững, cam kết sử dụng lao động địa phương, sẵn sàng chuyển giao công nghệ…

Từ định hướng này để có sự điều chỉnh trong công tác thu hút, tìm kiếm và kêu gọi các nhà đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài, phù hợp với môi trường tự nhiên và kinh doanh của thị xã.Với bờ biển dài hơn 3.000km, Việt Nam có nhiều bãi tắm đã trở thành danh thắng; nhiều thị xã, thành phố phát triển du lịch biển rất tốt. Điều đó đặt ra cho Hoàng Mai, một thị xã “sinh sau đẻ muộn”, thách thức phải tạo ra sự khác biệt trong quy hoạch tổng thể, trong cảnh quan. Và đặc biệt, trong dịch vụ du lịch biển gắn với văn hóa tâm linh là một hướng đi có tiềm năng, từ đó, tạo nên những tour du lịch kết nối các “đặc sản văn hóa” chỉ Hoàng Mai mới có.

Một góc thị xã Hoàng Mai. Ảnh: Việt Nguyễn

Công nghiệp hóa hiện đại hóa là xu thế tất yếu và là xu thế của cả thời đại nhưng không phải địa phương nào làm cũng thành công. Với một thị xã mới thành lập, toàn bộ cơ sở hạ tầng gần như là ở con số 0 thì lại càng điệp trùng gian khó.

Bởi vậy, để hoàn thành tất cả những định hướng, mục tiêu nói trên – tạo nên bản sắc riêng của Hoàng Mai trong bản đồ kinh tế vùng – thị xã cần hơn bao giờ hết một kế hoạch dài hạn, bao quát, và cẩn trọng nhưng quyết liệt trong từng bước đi cụ thể: Đầu tư hạ tầng một cách bài bản; phát triển kỹ thuật cao; cải cách thủ tục hành chính; xây dựng nếp sống văn minh đô thị; tạo môi trường thu hút đầu tư cởi mở có tầm nhìn chiến lược…

Nền tảng của một thị xã công nghiệp – dịch vụ không thể chỉ dựa vào các ống khói nhà máy hay kể cả các khu đô thị quy mô bề thế. Nền tảng của một thị xã công nghiệp – dịch vụ phải là ý thức, ý thức xây dựng văn minh công nghiệp trong mỗi người dân. Mỗi một người dân bình thường cũng cần có cuộc cách mạng ngay trong bản thân, đổi mới tư duy, lối sống, để hòa nhập với nhu cầu và đòi hỏi của một nền công nghiệp hiện đại.

Có như thế, Hoàng Mai mới đủ điều kiện để thực hiện các mục tiêu chiến lược đã đề ra, xứng đáng với niềm tin, sự kỳ vọng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà.

Võ Văn Dũng

Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Hoàng Mai