Đã có không ít những nhà phân tích kinh tế, nhà báo lão luyện, bỏ ra rất nhiều công sức để giải mã cho câu hỏi trên của dư luận. Bên cạnh những bài viết tâm huyết nhưng còn mang tính lý thuyết, chung chung của những người thiện chí, còn có không ít các luồng dư luận ác ý.
Có thể khẳng định, gần như tất cả những người đồng hương Nghệ An làm ăn sinh sống tại các tỉnh Điện Biên, Lai Châu và Thủ đô Hà Nội đều rất quan tâm đến một người nổi tiếng, mang biệt danh “Đại gia điếu cày” Lê Thanh Thản. Nhiều người kính nể, thán phục vì mang ơn ông nhưng cũng có không ít những kẻ đố kỵ, ghen ghét và luôn đặt điều vu khống, nói xấu ông. Thế nhưng, trong lòng mọi người đều có một câu hỏi chung, đang rất tò mò mà chưa nhận được câu trả lời thỏa mãn. Đó là: Đại gia Lê Thanh Thản khởi nghiệp như thế nào và bằng cách gì mà ông trở nên giàu có nhanh như vây.
Đã có không ít những nhà phân tích kinh tế, nhà báo lão luyện, bỏ ra rất nhiều công sức để giải mã cho câu hỏi trên của dư luận. Bên cạnh những bài viết tâm huyết nhưng còn mang tính lý thuyết, chung chung của những người thiện chí, đã có không ít các luồng dư luận ác ý, được những kẻ chuyên “ném đá dấu tay” tung ra, nhằm làm giảm uy tín giá trị nhân văn của một nhà kinh doanh chân chính, lương thiện, với Slogan đơn giản: “Tiền là gạch, Ngãi (tình nghĩa) mới là vàng” như ông.
Đầu tiên, nhóm người này, rỉ tai nhau, gán cho ông cái tội buôn lậu ma túy. “Cơ sở thực tiễn” của giả thiết này là ở chỗ, ông có một thời gian dài làm ăn ở Thượng Lào. Hoàn cảnh để dư luận tin là thời đó, bộ phim “Bí mật tam giác vàng” đang “hot” trên TV và các đại án buôn lậu ma túy đã và đang được đưa ra xét xử ngày càng nhiều. Ông nghe, biết hết nhưng không lên tiếng thanh minh, giải thích gì. Sau khói thuốc lào, ông trầm tư tâm sự với vợ con và những người thân cận: “Ta làm gì có trời biết, đất biết. Kệ họ, thích nói gì cứ nói”. Bà Hoàng Thị Huệ vợ ông nhớ lại: Thời anh làm ăn, đi lại bên Lào, chị sợ nhất là chuyện ấy. Chị thường xuyên nhắc: Anh tuyệt đối không được dính với ma túy. Làm gì thì làm anh phải để lại phúc đức cho vợ con, gia đình và dòng họ. Làm những chuyện thất đức như thế, Trời Phật không để yên cho đâu.
Câu chuyện ông buôn lậu thuốc phiện rồi cũng được chìm dần vào quên lãng. Cách đây vài năm, người viết bài này đã được trực tiếp nghe một vị có chức sắc, ngành nội chính, trả lời nghi vấn nêu trên với một cựu Bộ Trưởng: “Bên em cũng đã mở hồ sơ theo dõi, điều tra về nội dung này. Tuy nhiên, cho đến nay, kết quả điều tra cho thấy, ông Thản không liên quan gì đến các đường dây buôn bán, tàng trữ ma túy ”.
Lại có một thời, nhân khí thế “bài ngoại” đang dâng cao, trên mạng xã hội, quán nước vỉa hè lại rộ lên một thông tin “hot”: các ngân hàng thương mại nước ngoài, thông qua các quan chức tham nhũng, rót vốn cho đại gia Lê Thanh Thản và một số đại gia mới nổi của Việt Nam để mua đất, xây dựng các “cơ sở” cho giặc, khi họ tấn công xâm lược nước ta. Tin “hot” đến tai. Ông cũng không có phản ứng gì, chỉ phàn nàn riêng với bạn bè: “Sao lại có người ác tâm, ác khẩu dựng chuyện như thế được. Chúng nó không biết mình đã từng là lính sư đoàn 324, chiến đấu bảo vệ độc lập tự do của đất nước nhiều năm trời. Buồn quá”.
Tôi biết ông từ hơn 25 năm trước, khi ông cùng một số chiến hữu của Xí nghiệp xây lắp Điện Biên số 1, từ vùng Tây Bắc xa xôi, lần mò về quê hương Nghệ An mua quặng Magiê của vùng đất đỏ Bazan Phủ Quỳ bán cho các nhà máy xi măng làm chất phụ gia. Sau này ra Hà nội, lại được cùng ông mua đất làm nhà tại Khu đô thị Linh Đàm. Khác nhau về quy mô nhưng cùng chung chí hướng là “xây dựng kinh tế” tại Thủ đô Hà Nội. Là hàng xóm, thỉnh thoảng tôi được ông gọi sang tiếp khách, chia sẻ chuyện vui buồn, “coi như thằng em trai”. Ông giới thiệu với quan khách như vậy.
Một lần, sau tiệc rượu tiếp khách, nhớ đến lời nhờ vả của một lãnh đạo Hội doanh nghiệp trẻ Nghệ An, tôi mạnh dạn đặt lại vấn đề trên với ông, kèm theo một câu hỏi đang được nhiều bạn trẻ quan tâm. Tôi hỏi: Bác có thể cho các cháu trẻ tuổi biết là đã khởi nghiệp như thế nào không? Câu trả lời của ông làm cho tôi bất ngờ, suýt phì cười, mặc dù biết ông luôn nói thật. Ông chậm rãi: Anh khởi nghiệp, đi lên từ nhà tắm, nhà vệ sinh phục vụ công chúa Thái Lan, trong đợt bà đến thăm Điện Biên Phủ, năm 1991 hay 1992 gì đấy.
Ông kể, ngày ấy Điện Biên nghèo và hoang sơ lắm. Cả tỉnh không có được một khách sạn, nhà nghỉ nào ra hồn, đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của khách nước ngoài, chưa nói đến Công chúa. Được tin Công chúa Thái Lan sẽ lên thăm và nghỉ đêm vài ngày ở Điện Biên Phủ, cả tỉnh lo lắng. Xí nghiệp xây lắp Điện Biên số 1 của ông lúc ấy mới ra đời, đang loay hoay chạy vạy để xây dựng, sửa chữa vặt các nhà cấp 4, đâu đã dám nghĩ đến những công trình và thiết bị vệ sinh hiện đại. Lúc lãnh đạo Tỉnh mời ông đến, “giao nhiệm vụ” cho xí nghiệp của ông phải gấp rút xây dựng cho tỉnh một gian nhà khách, có đầy đủ trang thiết bị vệ sinh đáp ứng được yêu cầu phục vụ công chúa Thái Lan mà không giao tiền và thiết kế, ông sợ “toát mồ hôi” mà không dám từ chối.
Nhận lời, ông cho dừng các công trình đang thi công, tập trung làm “nhiệm vụ chính trị”. Khổ nỗi, lúc ấy cả ông và các cán bộ Tỉnh, đã ai biết và hình dung ra các thiết bị vệ sinh đáp ứng yêu cầu của Công chúa là như thế nào đâu. Đến cái xí bệt và thùng nóng lạnh cũng chưa nhìn thấy bao giờ. Đích thân ông lại phải chạy về Hà Nội, chạy sang Trung Quốc tìm hiểu và đặt mua chịu các thứ đắt tiền đó cho Tỉnh. Tỉnh hứa, làm xong sẽ trả cho Xí nghiệp một số vật tư, vật liệu xây dựng có sẵn trên địa bàn. Tỉnh Lai Châu lúc ấy làm gì có tiền mặt.
Sau một thời gian dài vất vả, Toilet của tỉnh đón Công chúa Thái Lan cũng được hoàn thành. Công chúa Thái Lan đã rất hài lòng và hết lời cảm ơn sự đón tiếp trọng thị của lãnh đạo và nhân dân Điện Biên Phủ dành cho Bà. Ông Thản và lãnh đạo Tỉnh thở phào nhẹ nhỏm.
Sau đận ấy, Tỉnh thanh toán cho Xí Nghiệp xây lắp số 1 Điện Biên một lượng hậu hĩnh vật tư, vật liệu xây dựng. Ông Thản đã vận dụng mọi kiến thức, kỷ năng ngoại giao học được từ vụ xây dưng Toilet phục vụ công chúa Thái Lan để xây dựng nên nhà khách 2 tầng đầu tiên trên đất Điện Biên. Khách sạn Hoa Ban Điện Biên, tiền thân của Khách sạn Mường Thanh Điện Biên ngày nay ra đời trong hoàn cảnh như vậy.
Nhờ có khách sạn Hoa Ban, Tỉnh Lai Châu đón tiếp trọng thị Tổng Thống Pháp Francois Mitterand cùng nhiều quan khách quốc tế về Điện Biên dự lễ kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Sau chuyến thăm, Tổng thống Pháp đã tặng cho Tỉnh Lai Châu một triệu USD để xây dựng Trường tiểu học Điện Biên. Xí nghiệp xây lắp số 1 Điện Biên được chỉ định thầu xây dựng công trình này.
Sau thắng lợi của Công trình xây dựng Trường Tiểu học Điện Biên, Xí nghiệp xây lắp số 1 Điện Biên của ông Lê Thanh Thản đã từng bước, từng bước vươn lên, đảm nhận gần như tất cả những công trình xây dựng, giao thông càng ngày càng lớn của vùng Tây Bắc và nước bạn Lào. Khi đủ lông cánh, ông mạnh dạn đầu tư vào Dự án giãn dân phố cổ của Khu đô thị Linh Đàm Hà Nội. Kết quả thành công ngoài mong đợi. Với số tiền lãi được tính theo cấp số nhân, đến ông cũng không ngờ là làm sao mà mình có được nhiều tiền và tài sản đến thế. Thật sự, chính ông cũng không biết, hiện tại ông có bao nhiêu tiền.
Vậy là từ nguồn khởi nghiệp vô cùng nhỏ bé, đơn giản, bằng ý chí, quyết tâm của người chiến binh xứ Nghệ, được sự giúp đỡ hết sức tình nghĩa của bạn bè, Xí nghiệp xây lắp số 1 Điện Biên của “Đại gia điếu cày” Lê Thanh Thản đã tạo dựng lên một sản nghiệp hùng mạnh, sánh vai với những Tỷ phú đô la trên thương trường trong và ngoài nước. Dự báo ông còn tiến xa hơn nữa khi Đảng và Nhà nước đang có chủ trương ủng hộ, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển. Đọc những dòng thơ, lưu bút của Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, khi đến thăm, nghỉ dưỡng tại các Khách sạn Mường Thanh, Tôi và nhiều người khác càng tin như thế.
Nguồn: Reatimes