6 tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân đầu tư công của Nghệ An còn thấp, mới đạt 30,27% kế hoạch, tuy nhiên, có hai công trình trọng điểm tỷ lệ giải ngân tốt.
Báo cáo của UBND tỉnh cho biết: Tính đến ngày 20/6/2022, tổng kế hoạch đầu tư công đã giải ngân 2.841,985 tỷ đồng, đạt 30,27% kế hoạch.
Cụ thể từng nguồn vốn như sau: Nguồn vốn đầu tư công tập trung tỉnh quản lý: Đã giải ngân 1.536,696 tỷ đồng, đạt 26,36% kế hoạch. Trong đó: Nguồn Ngân sách Trung ương đã giải ngân 1.313,118 tỷ đồng, đạt 30,74% kế hoạch. (Vốn trong nước đã giải ngân 1.274,693 tỷ đồng, đạt 33,64%; Vốn nước ngoài đã giải ngân 38,425 tỷ đồng, đạt 7,97%); Nguồn ngân sách địa phương đã giải ngân 223,578 tỷ đồng, đạt 14,35% kế hoạch.
Nguồn thu sử dụng đất ngân sách huyện, xã hưởng theo phân cấp và ngân sách tỉnh hưởng bố trí kinh phí giải phóng mặt bằng, trả nợ vay, các dự án vay lại nguồn Chính phủ vay nước ngoài: Đã giải ngân 1.305,289 tỷ đồng, đạt 40,22% kế hoạch.
Tổng kế hoạch vốn các năm trước kéo dài sang năm 2022 là 569,99 tỷ đồng, tính đến ngày 20/6/2022, kế hoạch vốn kéo dài đã giải ngân được 117,301 tỷ đồng, đạt 20,58% kế hoạch kéo dài.
Cũng theo báo cáo, có hai dự án trọng điểm có tiến độ giải ngân tốt đó là Dự án Đường ven biển và Dự án Đường Mường Xén – Ta Đo – Khe Kiền.
Dự án Đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) đến Cửa Lò (Nghệ An) đoạn từ Km7 – Km76, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) hiện đã bàn giao được 29,76 km/ 59,9km, đạt 49,68%. Công tác thi công đang tập trung triển khai, đẩy nhanh tiến độ các đoạn đã có mặt bằng, hiện đã thi công được 7/8 cầu, tường chắn biển, nền đường, đúc cấu kiện,…
Tổng số vốn được giao cho dự án này là 1.620 tỷ đồng, trong đó: Kế hoạch đầu tư công tập trung năm 2022 là 1.070 tỷ đồng, kế hoạch năm 2021 kéo dài sang năm 2022 là 450 tỷ đồng. Tính đến ngày 20/6/2022, đã giải ngân 1.029,16 tỷ đồng, đạt 63,53%; trong đó: Giải ngân kế hoạch năm 2022 là 892,1 tỷ đồng, đạt 83,37% (ngân sách Trung ương 822,063 tỷ đồng, đạt 82,20%; ngân sách địa phương 70 tỷ đồng, đạt 100%); Giải ngân kế hoạch năm 2021 kéo dài sang năm 2022 là 109,834 tỷ đồng, đạt 24,41%.
Sở Giao thông Vận tải cho biết: Đường ven biển là dự án trọng điểm, dự kiến hoàn thành giải phóng mặt bằng đối với đất nông nghiệp trong tháng 6/2022, đoạn qua đất rừng trong tháng 7/2022, đất ở, đất vườn không phải di chuyển chỗ ở và bố trí tái định cư trong tháng 9/2022 và tập trung chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công công trình các đoạn đã có mặt bằng.
Dự án giải ngân tốt thứ hai là đường Mường Xén – Ta Đo – Khe Kiền. Hiện dự án đã triển khai giải phóng mặt bằng đoạn Km7 – Km26, mặt bằng được bàn giao đạt 17,3 Km/18 Km, đạt 96,11%. Các nhà thầu đã bàn giao đưa vào sử dụng trong tháng 12/2021. Các đoạn còn lại đã thi công hoàn thành, hiện đang hoàn thiện hồ sơ thủ tục để nghiệm thu bàn giao công trình chuẩn bị đưa vào sử dụng.
Về giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 của đường Mường Xén -Ta Đo – Khe Kiền: Kế hoạch được giao là 175,23 tỷ đồng, tính đến ngày 20/6/2022 đã giải ngân 74,789 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương, đạt 42,68%.
Ở một số địa phương, công tác giải ngân đã được chú trọng. Đối với huyện Nghi Lộc, xác định giải ngân là nhiệm vụ quan trọng nên huyện đã tăng cường kiểm soát nợ công, tiếp tục huy động nội lực và các nguồn lực để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, lồng ghép xây dựng các công trình nông thôn mới.
Tổng giá trị đầu tư xây dựng 6 tháng đầu năm 2022 của huyện Nghi Lộc đạt 405 tỷ đồng, trong đó giá trị đầu tư xây dựng tập trung ước thực hiện 199 tỷ đồng (với trên 130 công trình, hạng mục công trình chuyển tiếp, công trình khởi công mới).
Lãnh đạo UBND huyện Nghi Lộc cho biết: Huyện tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã được bố trí vốn theo kế hoạch. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công một số công trình chuyển tiếp như: Tuyến đường từ xóm 2 đi xóm 6, xã Nghi Thuận, sân vận động huyện, đường trục chính thị trấn Quán Hành, cầu tràn Mỹ Hòa, xã Nghi Mỹ; hạ tầng đất ở các xã Nghi Thuận, Nghi Yên, Nghi Tiến, Nghi Phong,…
Còn tại Nghĩa Đàn, 6 tháng đầu năm, công tác thi công dự án công trình được đẩy mạnh. Huyện đã tổ chức nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng 48 công trình, trong đó: 6,3 km đường láng nhựa, 32 km đường bê tông xi măng,… Tổ chức thi công một số dự án như: Đường giao thông phát triển kinh tế khu vực miền Tây Nghệ An – giai đoạn 2; Đường cứu hộ vùng lũ, đảm bảo an ninh – quốc phòng các xã từ Nghĩa Lâm đến Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Đàn – giai đoạn 3; Đường vận chuyển và phát triển vùng nguyên liệu huyện Nghĩa Đàn (ADB).
Đến ngày 20/6/2022 vẫn còn 17 huyện, thị và 37 đơn vị chủ đầu tư giải ngân dưới mức bình quân chung của tỉnh (26,36%), trong đó có 01 huyện và 27 đơn vị chủ đầu tư chưa giải ngân.
Đáng chú ý có một số cơ quan, đơn vị chưa thực hiện giải ngân gồm: huyện Đô Lương và 27 đơn vị chủ đầu tư.
Nhiều huyện có tỷ lệ giải ngân thấp: Quỳnh Lưu (16,69%), Quỳ Hợp (14,49%), TP Vinh (14,03%), Tương Dương (12,73%), Hưng Nguyên (10,35%), Thanh Chương (8,6%), Nam Đàn (6,67%), TX Cửa Lò (6,67%), Quỳ Châu (4,6%), Diễn Châu (4,31%), TX Thái Hòa (3,1%)…