Đánh giá khách quan, toàn diện thì thấy rằng, công tác cải cách hành chính trên địa bàn Nghệ An trong thời gian qua tuy đã có sự chuyển biến rõ nét nhưng ở một số cơ quan thì đây vẫn còn nút thắt, vẫn còn tình trạng giải quyết chậm hồ sơ của người dân, doanh nghiệp. Bởi vậy, yêu cầu thay đổi nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức và cả hệ thống chính trị trong việc coi nhà đầu tư, doanh nghiệp là đối tượng phục vụ là rất quan trọng. Và chính trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX cũng đã xác định 3 đột phá phát triển, trong đó có cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh gắn với cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành.

Góp ý về vấn đề này, ông Trần Anh Sơn – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tiêu biểu tỉnh cho rằng, để thực hiện hóa khẩu hiệu chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp, coi doanh nghiệp, nhà đầu tư là đối tượng phục vụ thì trước tiên chính quyền phải thấu hiểu doanh nghiệp; bỏ tư tưởng “cửa quyền” và xây dựng tinh thần phục vụ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cần có cơ chế, chính sách minh bạch rõ ràng, có tính kế thừa; đồng hành bằng con người, bằng chỉ đạo văn bản, phân công đầu mối cụ thể; chính quyền cần sâu sát hơn để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; xử lý nghiêm cán bộ, công chức “hành” doanh nghiệp.

Đồng chí Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra tình hình thực hiện các dự án trong Cảng Hàng không Vinh, Cảng Cửa Lò và hiện trạng cầu cảng dân sinh tại Cảng Cửa Lò.
Đồng chí Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra tình hình thực hiện các dự án trong Cảng Hàng không Vinh, Cảng Cửa Lò và hiện trạng cầu cảng dân sinh tại Cảng Cửa Lò.

Bên cạnh cải cách hành chính, UBND tỉnh đang xây dựng sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ đầu tư cho các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh để phù hợp thực tiễn và đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư trong giai đoạn hiện nay. Như mới đây, UBND tỉnh đã thông qua dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 26 về một số chính sách hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh. Theo đó, ngoài 2 chính sách đề nghị giữ nguyên là hỗ trợ đầu tư và kinh phí chuẩn bị đầu tư; hỗ trợ đầu tư đối với kết cấu hạ tầng vùng nguyên liệu tập trung cho công nghiệp chế biến khu kinh tế (KKT) và khu công nghiệp (KCN) thì dự thảo còn đề nghị bổ sung 3 chính sách là Hỗ trợ đào tạo lao động, Hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào dự án, hỗ trợ san lấp mặt bằng và Hỗ trợ về giá, đơn giá thuê đất, thuê mặt nước.

Không chỉ thu hút các nhà đầu tư mới mà quan điểm của tỉnh là sẽ đồng hành, hỗ trợ tích cực những nhà đầu tư đang hiện hữu trên địa bàn. Bởi vậy, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án đã được cấp phép, đặc biệt là các dự án đầu tư trọng điểm. Tiếp tục hỗ trợ, giải quyết các vướng mắc, khó khăn về thủ tục đầu tư, điều chỉnh dự án, chính sách về đất đai, mỏ nguyên liệu san lấp… cho các nhà đầu tư dự án hạ tầng trọng điểm như: VSIP, WHA, Hoàng Thịnh Đạt. Tỉnh cũng đã thành lập các tổ công tác do các Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách từng lĩnh vực, trực tiếp kiểm tra, nắm bắt và giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư theo thẩm quyền.

Thi công dự án đường ven biển.
Thi công dự án đường ven biển.

Nhằm đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư giai đoạn tiếp theo, tỉnh Nghệ An đang tích cực triển khai xây dựng Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, tập trung vào 3 nội dung quan trọng là quy hoạch hạ tầng, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch đô thị. Việc xây dựng Quy hoạch tỉnh là tiền đề để tỉnh định hướng được không gian phát triển nhằm thu hút đầu tư. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hoa, công tác xây dựng quy hoạch phải căn cơ, bài bản, có mũi đột phá chiến lược, khơi thông các điểm nghẽn phát triển, kết nối các ngành, lĩnh vực, các vùng, địa phương, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, hướng tới mục tiêu phát triển tỉnh Nghệ An thành trung tâm kết nối của vùng Bắc Trung Bộ theo tinh thần Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị.

Bên cạnh quy hoạch tỉnh, hiện tỉnh cũng đang xây dựng Đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng KKT Đông Nam Nghệ An đến năm 2040. Việc điều chỉnh tập trung vào các nội dung nhằm nâng cao hiệu quả trong phạm vi KKT Đông Nam như: mở rộng diện tích các khu công nghiệp, giảm diện tích trước đây quy hoạch vào địa bàn tập trung khu dân cư, điều chỉnh bỏ các khu chức năng không còn phù hợp; hình thành thêm KCN gắn với khu đô thị để tạo tính đồng bộ. Về lâu dài phải tiếp tục mở rộng phạm vi KKT Đông Nam để phát triển dài hạn, mục tiêu mở khu kinh tế tối thiểu là 70.000 ha, trong đó KCN có tổng diện tích từ 10.000 đến 15.000 ha. Từ đây, tạo được “mặt bằng sạch” để kêu gọi các nhà đầu tư trọng điểm.

Bởi tỉnh Nghệ An xác định, trọng tâm thu hút đầu tư là Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp, trong đó chú trọng và ưu tiên triển khai vào 3 Khu công nghiệp: VSIP, WHA và Hoàng Mai I. Đây là các KCN được đầu tư bởi các nhà đầu tư hạ tầng có thương hiệu, chất lượng, dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp. Với quy mô lớn, hiện đại, kết cấu hạ tầng đồng bộ, thuận lợi về giao thông đường bộ, đường hàng hải và đường hàng không, các khu công nghiệp này sẽ đáp ứng cao nhất các yêu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu và đầu tư các dự án sản xuất, kinh doanh.

Sơ đồ định hướng phát triển không gian trong đồ án điều chỉnh tổng thể chung Khu kinh tế Đông Nam (trái) và bản đồ quy hoạch bến Cảng Cửa Lò đến năm 2020 và sau năm 2030.
Sơ đồ định hướng phát triển không gian trong đồ án điều chỉnh tổng thể chung Khu kinh tế Đông Nam (trái) và bản đồ quy hoạch bến Cảng Cửa Lò đến năm 2020 và sau năm 2030.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội. Nhằm sớm tháo gỡ “nút thắt” về cảng biển, trong cuộc làm việc với Thủ tướng Chính phủ vào tháng 3/2021, Nghệ An kiến nghị cho phép tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu, thực hiện cơ chế kêu gọi doanh nghiệp đầu tư cảng nước sâu Cửa Lò tại khu vực Nghi Thiết. Đồng thời, xem xét sớm đầu tư dự án kéo dài đường cất, hạ cánh hiện hữu thêm 600m về phía Bắc với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 300 tỷ đồng. Mới đây, HĐND tỉnh cũng đã thông qua chủ trương đầu tư dự án đường ven biển có chiều dài 69 km từ TX. Hoàng Mai đến huyện Nghi Lộc, với tổng nguồn vốn đầu tư là 4.651 tỷ đồng; thông qua chủ trương đầu tư các hạ tầng thiết yếu tại Khu kinh tế Đông Nam, các khu công nghiệp tập trung theo hướng đầu tư phục vụ thu hút đầu tư. Song song với đó là đào tạo nâng cao chất lượng nguồn lao động để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung khẳng định, để tiếp tục xây dựng Nghệ An trở thành điểm đến đầu tư mới, hấp dẫn, thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước, tỉnh Nghệ An sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, tập trung các nguồn lực và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 nhằm đảm bảo môi trường đầu tư an toàn. Tỉnh phấn đấu trở thành một địa phương năng động, đổi mới, thuận lợi và trở thành “điểm đến an toàn, đáng đầu tư”. Tỉnh Nghệ An cam kết sẽ luôn đồng hành, sát cánh cùng các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong quá trình nghiên cứu, khảo sát, đề xuất đầu tư và cả trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh./.

Toàn cảnh khu bến cảng phía Bắc và phía Nam cảng Cửa Lò.
Toàn cảnh khu bến cảng phía Bắc và phía Nam cảng Cửa Lò.

Nội dung: Phạm Bằng
Ảnh: PV – CTV
Thiết kế – Kỹ thuật: Hữu Quân