Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý cho biết, công tác thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp tại Nghệ An giai đoạn hiện nay rất sôi động, với các nhà đầu tư lớn, có những dự án có quy mô hàng trăm triệu USD trên các lĩnh vực: sản xuất linh kiện điện thoại, cán thép nguội… đang tiếp cận các khu công nghiệp.

Chiều 1/7, UBND tỉnh tổ chức buổi làm việc để nghe báo cáo tình hình triển khai thực hiện một số dự án trọng điểm thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Các đồng chí: Thái Thanh Quý – Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Ngọc Hoa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc làm việc; cùng dự có lãnh đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành, thị liên quan và đại diện các nhà đầu tư. Ảnh: Thành Duy

Vướng mắc của các nhà đầu tư

Tại cuộc làm việc, lãnh đạo tỉnh đã nghe báo cáo tiến độ, kiến nghị của các nhà đầu tư thực hiện các dự án gồm: Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An; xây dựng kinh doanh hạ tầng WHA Industrial Zone 1 – Nghệ An; các dự án do Công ty Cổ phần Tập đoàn Vingroup, Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC đề xuất và thực hiện; các dự án do Công ty Cổ phần xi măng Sông Lam thực hiện; dự án đầu tư xây dựng Cảng nước sâu phía Bắc Khu bến cảng Cửa Lò của Tập đoàn TH; Dự án Nhà máy chế biến gỗ MDF – Công ty Cổ phần gỗ MDF Nghệ An và Dự án tuyến đường giao thông vào Khu Công nghiệp Tri Lễ, huyện Anh Sơn; các dự án tại Cảng hàng không Quốc tế Vinh do Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam đề xuất và thực hiện.

Đồng chí Lê Tiến Trị – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Xúc tiến đầu tư tỉnh báo cáo tình hình triển khai một số dự án trọng điểm thu hút đầu tư. Ảnh: Thành Duy

Tính đến nay, VSIP Nghệ An đã thu hút được 24 công ty ký cam kết đầu tư, trên tổng diện tích đất khoảng 129 ha với vốn đăng ký đầu tư dự kiến khoảng 267 triệu USD, trong đó có 12 công ty có vốn đầu tư nước ngoài, trong số này có 8 công ty đã đi vào hoạt động và 3 công ty đang xây dựng nhà máy, 1 dự án vừa ký cam kết đầu tư, dự kiến thu hút khoảng 20.000 – 25.000 lao động.
Còn tại Khu Công nghiệp WHA Hemaraj Nghệ An đã thu hút 2 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, với diện tích 5,13 ha, vốn đầu tư đăng ký gần 10,7 triệu USD.
Dự án Nhà máy xi măng Sông Lam giai đoạn 1 đã vận hành 2 dây chuyền sản xuất, công suất đạt trên 12.000 tấn clinker/ngày và hiện đang hoạt động ổn định. Hiện nay, nhà đầu tư đang phối hợp với Sở Xây dựng để rà soát, đánh giá trữ lượng các mỏ đá nguyên liệu làm cơ sở cho việc xem xét triển khai giai đoạn 2…

Đại diện các nhà đầu tư dự cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Tại cuộc làm việc, các nhà đầu tư đã có những kiến nghị cụ thể đối với các dự án, trong đó tập trung chủ yếu công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tại các dự án khu công nghiệp, đô thị của VSIP, Hemaraj; việc vận động nhân dân tại khu B Quang Trung (TP. Vinh) đồng thuận với phương án hỗ trợ tạm cư, giải phóng mặt bằng còn vướng mắc 73 hộ; khu vực dự án Nhà máy sản xuất gỗ ván MDF tại Khu Công nghiệp Tri Lễ, Anh Sơn chưa có đường giao thông kết nối từ Quốc lộ 7 và đường Hồ Chí Minh vào Khu Công nghiệp Tri Lễ;…

Tập trung giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hoa đề nghị các sở, ngành và các địa phương liên quan tập trung hỗ trợ các nhà đầu tư để thực hiện các thủ tục theo đúng quy định; đồng thời một số nhà đầu tư cũng phối hợp hiệu quả hơn với tỉnh để triển khai dự án.

Người dân dọn nhà, bàn giao mặt bằng cho dự án cải tạo Khu B Quang Trung. Ảnh tư liệu Quang An.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý cho biết, công tác thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp tại Nghệ An giai đoạn hiện nay rất sôi động, với các nhà đầu tư lớn, có những dự án có quy mô hàng trăm triệu USD trên các lĩnh vực sản xuất linh kiện điện thoại, cán thép nguội… đang tiếp cận các khu công nghiệp như: VSIP, WHA Hemaraj Nghệ An;… Khi các dự án này đầu tư, đi vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm cho nhiều lao động và có thể kéo theo chuỗi các dự án công nghiệp phụ trợ khác vào cùng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hoa phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Để đón nhận dòng vốn đầu tư, việc hoàn thiện các dự án hạ tầng các khu công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp hết sức quan trọng. Vì vậy, UBND tỉnh cần sớm thành lập tổ công tác của tỉnh giao cho một Phó Chủ tịch làm tổ trưởng để thường xuyên nắm bắt, chỉ đạo giải quyết kịp thời những vướng mắc, khó khăn hiện nay đối với các dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp gồm: Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An; dự án xây dựng kinh doanh hạ tầng WHA Industrial Zone 1 – Nghệ An và các dự án khu công nghiệp của Công ty Cổ phần Hoàng Thịnh Đạt tại thị xã Hoàng Mai.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã nêu rõ hướng giải quyết đối với các vướng mắc cụ thể đối với các dự án trọng điểm thu hút đầu tư của 8 nhà đầu tư, trong đó các địa phương liên quan tập trung xây dựng các phương án giải phóng mặt bằng các diện tích còn vướng mắc tại dự án Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An trên địa bàn Hưng Nguyên và dự án xây dựng kinh doanh hạ tầng WHA Industrial Zone 1 – Nghệ An tại huyện Nghi Lộc; còn TP. Vinh hoàn thành công tác tạm cư, giải phóng mặt bằng tại khu B Quang Trung đến hết tháng 7/2019.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý kết luận cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Đồng chí Thái Thanh Quý cũng đồng tình với kiến nghị của Công ty TNHH VSIP Nghệ An mở rộng dự án với Khu Công nghiệp VSIP Nghệ An và giao các sở, ngành liên quan phối hợp với các nhà đầu tư thực hiện các thủ tục cần thiết để thực hiện.

Thành Duy
/Báo Nghệ An.