Sau một thời gian chững lại, gần đây, thị trường bất động sản tại Nghệ An có dấu hiệu ấm dần, đặc biệt có một số vùng, đất nền có dấu hiệu “sốt” trở lại với sự góp mặt của một số dự án lớn…
Ngược lại với sự trầm lắng có phần chững lại của phân khúc nhà ở chung cư, thị trường đất nền, đặc biệt là đất đấu giá ở một số địa phương đang có dấu hiệu “nóng” dần lên.
Đại diện một công ty cổ phần về bất động sản ở thành phố Vinh cho biết: “Từ năm 2018 trở lại nay, đất nền ở các vùng như: Quán Bàu, Đông Vĩnh, Hưng Đông, khu vực Vinh Tân đường Lê Mao kéo dài; trục đường 72m Vinh – Cửa Lò (Nghi Đức, Nghi Ân, Nghi Phong) và vùng Cửa Lò, Cửa Hội có dấu hiệu “nóng” lên với mức giá tăng 150-200%.
Chẳng hạn như ở Quán Bàu, trước đây giá đất nền chỉ có mức 6-6,5 triệu đồng/m2 thì nay tăng lên 12-13 triệu đồng/m2 thậm chí có nơi tăng lên 17-18 triệu đồng/m2 . Hay như vùng Cửa Lò, cách đây 2 năm, mức giá khoảng 15-20 triệu đồng/m2 (vùng kề sát biển), 10-13 triệu đồng/m2 (đất lối 2) nay đều tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba.
Sở dĩ đất ở những vùng này giá tăng “phi mã” là do hạ tầng được đầu tư đồng bộ, nhiều dự án lớn được triển khai nên các nhà đầu tư mua đầu cơ, người dân mua để ở.
Không chỉ ở thành phố, tại nhiều địa phương, sức mua của người dân đã tăng đáng kể, đặc biệt khi hạ tầng được đầu tư đồng bộ, đảm bảo. Địa bàn huyện Quỳnh Lưu từ năm 2018 đến nay thị trường đất nền ấm dần lên, nhu cầu mua đất khá cao.
Ông Hồ Minh Mậu – Chủ tịch UBND xã Quỳnh Tân (Quỳnh Lưu) cho biết: Thời điểm đầu tháng 6/2019, sau khi thông báo đấu giá 39 lô đất thì đã có trên 100 hồ sơ nộp xin đấu giá. Chỉ trong một buổi diễn ra phiên đấu giá 39 lô đất đều đã có chủ, bình quân giá 530 triệu đồng/lô đất. Nguyên nhân đất nền ở xã “vùng sâu” dễ bán là do xã quy hoạch bán đất dọc QL 48E nên người dân mua vừa để ở, vừa kinh doanh, có những hộ gia đình mua 2-3 lô đất liền kề để kinh doanh.
Ông Nguyễn Văn Quý – Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết thêm: Từ đầu năm 2019 đến nay, huyện Quỳnh Lưu đã tổ chức đấu giá đất được 3 xã bao gồm các xã Quỳnh Minh, Quỳnh Tân, Quỳnh Thuận. Cơ bản đấu giá đến đâu bán hết đến đó, không còn tồn đọng như trước đây. Tính đến thời điểm này, huyện Quỳnh Lưu đã thu tiền đấu giá đất đạt 52 tỷ đồng (kế hoạch tỉnh giao 140 tỷ đồng), dự kiến đến hết năm 2019 huyện sẽ tiếp tục đấu giá đất ở 5 xã, số tiền thu được đạt trên 200 tỷ đồng.
Sở dĩ đất nền nông thôn dễ bán là do huyện thay đổi hình thức đấu giá từ trực tiếp sang gián tiếp theo chỉ đạo của tỉnh. Tại các phiên đấu giá đã không còn cảnh chen lấn, mất an ninh trật tự vì “cò đất” ép người mua đất giàn xếp giá cả như những phiên đấu giá trước đây.
Ông Nguyễn Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu |
Thị trường đất nền ở Đô Lương rất sôi động. Ông Hoàng Văn Hiệp – Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương cho biết: Chỉ tiêu tỉnh giao cho huyện là 105 tỷ đồng đấu giá đất nhưng trong năm 2019, thông qua đấu giá đất ở 10 xã huyện Đô Lương đã đạt 109 tỷ đồng.
Từ nay đến cuối năm 2019 huyện tiếp tục đấu giá đất 3 xã gồm Đông Sơn, Yên Sơn, Tân Sơn. Riêng xã Yên Sơn đấu 50 lô đất vào thời điểm ngày 30/9 nhưng hiện nay đã có trên 400 hồ sơ đấu giá.
Sự sôi động trở lại của thị trường đất nền ở các huyện có thể lý giải là do sự phục hồi, tăng trưởng nhanh của nền kinh tế; dư địa đô thị bị thu hẹp nên nhiều nhà đầu tư tìm về mua đất vùng nông thôn để đầu cơ, kinh doanh.
Bên cạnh đó, nếu như trước đây, việc xây dựng hạ tầng cho đất đấu giá chủ yếu giao cho các xã nên thiếu đồng bộ, chất lượng thì nay, nhiều huyện đứng ra làm chủ đầu tư nên việc quy hoạch, xây dựng hạ tầng hợp lý, đồng bộ.
Đồng thời, với việc triển khai đấu giá đất theo hình thức gián tiếp thông qua bỏ phiếu kín đã hạn chế được việc “thổi giá”, “cò đất” lộng hành như trước, chỉ những người có nhu cầu thực sự mới tham gia đấu, do đó, giá đất cũng sát với giá thị trường, tạo sự yên tâm, tin tưởng cho người mua.
Vì thế, các khu đất đấu giá đều tăng lượng người mua, tăng thu ngân sách cho địa phương.
Thanh Phúc – Văn Trường