Do khó khăn về thủ tục và thu hút nhà đầu tư, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép làm đường ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An bằng nguồn ngân sách.

Chiều 22/10, thừa ủy quyền của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo Quốc hội đánh giá giữa kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Trong đó có việc đầu tư tuyến đường ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An đầu tư theo hình thức PPP.

Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư các dự án thuộc quy hoạch tuyến đường ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An từ hình thức đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công sử dụng ngân sách nhà nước đối với một số đoạn tuyến.

Nguyên nhân được Chính phủ đưa ra là do một số địa phương gặp vướng mắc khi triển khai thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 437 của Quốc hội về xây dựng và khai thác các công trình theo hình thức BOT. Ngoài ra, các địa phương cũng gặp khó khăn thu hút nhà đầu tư nếu tiếp tục thực hiện theo hình thức PPP.

Một đoạn đường ven biển qua tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành. Ảnh: Hoàng Hà.

Chính phủ cho rằng việc hoàn thành toàn bộ tuyến đường sẽ mở ra không gian phát triển, tạo sức lan tỏa và đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội của khu vực đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ.

Để có nguồn vốn ngân sách, Chính phủ kiến nghị sử dụng dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn để bổ sung, hỗ trợ, kết hợp với nguồn vốn hợp pháp khác của các địa phương liên quan thực hiện dự án. Đồng thời giao Chính phủ tổng hợp chung trong phương án sử dụng dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng việc hình thành một tuyến đường ven biển mang ý nghĩa kết nối, liên thông là cần thiết, góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng, thúc đẩy phát triển kinh tế cả nước.

Vì vậy, Ủy ban này đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, có phương án, giải pháp cụ thể, khả thi, phù hợp với nguồn lực ngân sách trung ương, có sự cam kết sử dụng ngân sách của địa phương, kết hợp với các hình thức đầu tư khác, bảo đảm cân đối được nguồn lực, phân kỳ đầu tư, kết hợp hài hòa giữa giải quyết những dự án cấp thiết và tính tổng thể, hợp lý, công bằng đối với các địa phương ven biển.

Trước đó, nhiều địa phương ven biển từ Quảng Ninh đến Hải Phòng công bố các dự án đầu tư đường ven biển với số vốn lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

UBND tỉnh Thanh Hóa đề xuất dự án đường bộ ven biển Nga Sơn – Hoằng Hóa theo hình thức BT dài 26 km, với tổng mức đầu tư 2.242 tỷ đồng. Dự án do nhà đầu tư tự huy động 100% vốn, trong đó vốn chủ sở hữu tối thiểu 20%, vốn vay và huy động từ nguồn khác tối đa 80%.

UBND TP. Hải Phòng cũng công bố hợp đồng dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn và 9 km trên địa bàn tỉnh Thái Bình theo hình thức đối tác công tư có tổng mức đầu tư 3.758 tỷ đồng. Nghệ An cũng đề xuất tuyến đường ven biển qua địa bàn dài khoảng 90km với quy mô đường cấp III.

Tuy nhiên, nhiều địa phương gặp khó khi xây dựng tuyến đường theo hình thức PPP, phần lớn do cơ chế chính sách.

Tuyến đường bộ ven biển qua 7 tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An dài trên 600 km thuộc quy hoạch chi tiết đường bộ ven biển Việt Nam.

Hiện một số đoạn thuộc tuyến đường ven biển này song song hoặc trùng với tuyến cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng – Quảng Ninh. Đến nay còn một số tỉnh chưa thống nhất trong ưu tiên đầu tư, làm đường cao tốc hay đường ven biển, kết nối hai tuyến đường thế nào để phát huy hiệu quả. Với tuyến đường ven biển thì cơ chế thực hiện, hướng tuyến, quy mô, nguồn vốn ra sao… Có tỉnh thì ưu tiên làm đường cao tốc, có tỉnh thì muốn làm đường ven biển.